• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

CHÀO MỪNG NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG

HotelHoangMinh

New Member
Nhiệt liệt chào mừng 36 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2011) và 125 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2011).

Banner-30-4.jpg
 

HotelHoangMinh

New Member
Buổi phát thanh lịch sử tại Sài Gòn trưa 30/4/1975

Do tình thế khẩn cấp, chàng sinh viên Nguyễn Hữu Thái đã trở thành phát thanh viên "bất đắc dĩ" trong thời khắc lịch sử - tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Trong đám đông kéo đến đài phát thanh trưa 30/4 có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Chu-Thai-2.jpg


KTS Nguyễn Hữu Thái - nhân chứng lịch sử ngày 30/4/1975. Ảnh: Tiến Dũng.
Sinh ra trong gia đình có 10 người con, lại là cả nên Nguyễn Hữu Thái được bố mẹ đầu tư cho ăn học, với mong muốn con mình sẽ thành tài. Năm 1958, sau khi đỗ tú tài ở trường Thiên Hựu (Huế), cậu học trò Nguyễn Hữu Thái vào Sài Gòn học ngành Kiến trúc và là người trẻ nhất của khóa học này.

Từ khi trở thành sinh viên, Hữu Thái hăng hái kêu gọi bạn bè xuống đường biểu tình, đòi tự do, dân chủ và năm 1963-1964 được bầu làm Chủ tịch tổng hội sinh viên Sài Gòn. Do nhiệt tình đấu tranh nên năm 1964, chàng sinh viên 24 tuổi bị bỏ tù, và từ đó đến năm 1974, Thái luôn nằm trong "danh sách đen" của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ba lần ra ngục vào tù đã lấy đi của Thái 4 năm tuổi trẻ, thời gian được chia đều cho nhà tù và nhà trường.

Nhờ những lần ngồi tù, được tranh luận với cán bộ "Việt cộng", chàng sinh viên kiến trúc mới thấm thía thêm rằng, không chỉ có sinh viên, trí thức chống lại chế độ Sài Gòn mà khắp cả nước còn có cuộc đấu tranh của những người cộng sản. Và cũng từ đây, Nguyễn Hữu Thái càng quyết tâm theo cách mạng, dù từng nhận được lời đề nghị của một quan chức Mỹ rằng sẽ tạo điều kiện sang Mỹ học rồi về Việt Nam làm quan chức.

[video=youtube;Eijc2DfkPtY]http://www.youtube.com/watch?v=Eijc2DfkPtY[/video]​

"Năm 1971, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đề nghị tôi ra tranh cử với lập trường hòa bình trung lập, chuẩn bị cho 'Thành phần thứ ba' như trong Hiệp định Paris. Tôi được sự ủng hộ của tướng Dương Văn Minh, người sẽ ra tranh cử Tổng thống. Nhưng do bị nghi ngờ là người của quân giải phóng nên tôi đã thất cử. Tướng Minh vào giờ chót cũng rút lui khỏi cuộc tranh cử Tổng thống”, ông kể.

Một năm sau, Nguyễn Hữu Thái lại bị chính quyền Sài Gòn bắt giam trước ngày ký kết Hiệp định Paris về hòa bình Việt Nam, do bị tố cáo thuộc "Thành phần thứ ba" thân Cộng. Khi người đàn ông 34 tuổi được ra tù năm 1974, tình hình đã biến chuyển nhanh theo hướng chấm dứt chiến tranh...

Duong-Van-Minh_NH-Thai.jpg


Dương Văn Minh và ông Nguyễn Hữu Thái.

Nhân chứng sống ngoài 70 tuổi này vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử của 36 năm về trước. "Sáng tinh mơ ngày 30/4, từ cơ sở chuẩn bị nổi dậy của sinh viên ở ĐH Vạn Hạnh (gần chợ Trương Minh Giảng), tôi bàn với người thân cận của Thượng tọa Trí Quang rồi chạy vội lên chùa Ấn Quang (đường Sư Vạn Hạnh) gặp vị lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn tới nhóm Dương Văn Minh nhờ tác động gấp nhằm chấm dứt ngay cuộc chiến, tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn", ông kể.

Khoảng 9h (thời đó giờ Sài Gòn chậm hơn Hà Nội một tiếng), khi ông Thái quay về trường thì nghe tướng Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn, với nội dung kêu gọi các binh lính Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng, ở đâu ở đó, để ông gặp Chính phủ Cách mạng thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong trật tự, tránh đổ máu.

Biết tin này, một nhóm sinh viên cầm vũ khí lên xe ca đến áp sát, chuẩn bị xâm nhập vào đài phát thanh. Còn ông Thái cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳnh Văn Tòng (giảng dạy báo chí) vào dinh Độc Lập thuyết phục những người quen biết trong chính quyền Dương Văn Minh bàn giao chính quyền cho phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Trong khi đó, ở bên ngoài, những chiếc xe tăng đầu tiên đang tiến về dinh Độc Lập. Xe tăng 390 chạy đầu tiên, xe tăng 843 chạy đến dinh đã húc thẳng vào cổng phụ bên trái, cổng không sập. Thấy vậy, lái xe tăng 390 liền húc sập cổng chính, và Bùi Quang Thận nhảy từ trên xe 843 xuống, giật lá cờ giải phóng gắn trên cần ăng ten xe tăng rồi tiến vào thềm dinh.

Xe-tang-huc-do-cong.jpg


Xe tăng 390 húc đổ cổng chính để tiến vào dinh độc lập trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu.
Do ông Thái và giáo sư Tòng đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy, nên khi ông đề nghị dẫn đường thì ông Thận liền đi theo. Đến nóc, cả 3 người phải leo thêm chiếc thang gỗ mới đến được chân cột cờ. Lá cờ giải phóng được kéo lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng chỉ thiên chào mừng vang trời.

"Thật ngẫu nhiên, vào thời điểm lịch sử ấy trên nóc dinh Độc Lập có 3 chàng trai của 3 miền đất nước: anh bộ đội Thận từ đồng bằng sông Hồng, giáo sư Tòng quê Tây Ninh và tôi gốc ở một thành phố miền Trung. Anh em xúc động không cầm được nước mắt, vừa sung sướng vừa hãnh diện", ông Thái nhớ lại khoảnh khắc chấm dứt 117 năm thống trị của thực dân đế quốc.

Có mặt tại dinh Độc Lập, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đã nghĩ ngay đến việc phải buộc chính phủ của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng sớm để đỡ đổ máu. Vì vậy, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Chính ủy Bùi Văn Tùng, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, nhà báo Tây Đức Borries Gallasch... cùng lên xe tiến về phía đài phát thanh.

Tại đài, trong khi các sinh viên đi tìm nhân viên kỹ thuật cho đài phát sóng thì một cán bộ quân giải phóng cũng soạn vội lời đầu hàng của Dương Văn Minh. Do không có thiết bị thu âm nên nhà báo Đức đã cho mượn đài để thu lời đầu hàng của tướng Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Tùng. Pin đài yếu nên các sinh viên lại phải chạy đôn đáo đi tìm pin thay thế.

"Việc thu băng lời tướng Minh phải thử đi thử lại mấy lần mới xong. Còn lời phát biểu của Thủ tướng Mẫu thì được nói trực tiếp. Khi Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, đồng hồ lúc này là 13h20 (Hà Nội là 12h20 phút)", nhân chứng Nguyễn Hữu Thái tiếp tục câu chuyện.

Dai-phat-thanh-sai-gon.jpg


Tướng Dương Văn Minh (mặc áo đen, đeo kính) chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Nhà báo Đức ngồi cạnh ông Minh, còn ông Thái đứng thứ hai (cầm tập giấy). Ảnh do phóng viên ảnh hãng thông tấn AP thực hiện.
Do tình thế khẩn cấp nên Nguyễn Hữu Thái đã trở thành phát thanh viên "bất đắc dĩ" của buổi phát thanh trực tiếp đầu tiên trong ngày lịch sử trọng đại: "...Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - TP HCM, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay được giải phóng... Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này...". Nguyễn Hữu Thái: "Chúng tôi là những người đại diện cho UBND cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…".

Tiếp đó, đến lượt Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".

Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Vũ Văn Mẫn, Chính ủy Bùi Văn Tùng tuyên bố chấp nhận đầu hàng: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn".

Trong đám đông kéo đến đài phát thanh vào buổi trưa 30/4 có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Được mời phát biểu trực tiếp trên sóng, nhạc sĩ này run run: "Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được...".

Hân hoan trong niềm vui giải phóng nên dù không mang theo đàn guitar, Trịnh Công Sơn vẫn cất vang lời bài 'Nối vòng tay lớn'. Và đây cũng chính là bài hát đầu tiên được phát lên sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4.

"Chiều 30/4/1975, phần lớn người dân Sài Gòn đều túa ra đường để được tận hưởng bầu không khí hân hoan, phấn khởi của ngày thành phố được giải phóng. Những người nghe tin tức qua Đài Phát thanh Sài Gòn cảm thấy xúc động dâng trào khi nghe Trịnh Công Sơn hát 'Nối vòng tay lớn' trong giờ phút lịch sử của dân tộc", 36 năm sau ngày lịch sử này, ông Nguyễn Hữu Thái vẫn xúc động khi kể lại.

Vào đại học năm 1958 nhưng phải đến năm 1976, một năm sau ngày giải phóng, ông mới có thể trở lại trường làm đồ án tốt nghiệp và trở thành kiến trúc sư. Sau nhiều năm công tác tại thành đoàn TP HCM, năm 1980 ông làm việc tại Viện Quy hoạch kiến trúc thành phố... Năm 1990 ông xuất cảnh sang Canada theo diện đoàn tụ gia đình và 5 năm sau lại trở về Việt Nam sinh sống, công tác.

Theo VnExpress
 

HotelHoangMinh

New Member
Ký ức người chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập

Khi thấy xe 843 dừng lại ở cổng trái, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi: "Thế nào anh Toàn?", ông Toàn dứt khoát "Cứ tông thẳng vào". Ngay lập tức lái xe Tập nhấn ga, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập lao vào trong sân.

Trong bộ quần áo lính giản dị, người chỉ huy xe tăng 390 năm xưa Vũ Đăng Toàn vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn dù mái tóc xanh đã nhuốm màu bạc trắng. Năm nào cũng thế, cứ cận ngày 30/4 ông lại bắt xe từ Hải Dương lên Hà Nội, đến nhà cậu em út Ngô Sỹ Nguyên để tụ họp cùng anh em đã kề vai sát cánh trong trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nheo vầng trán rộng, ông chậm rãi kể lại thời khắc cách đây đã 36 năm, khi đại đội ông từ miền Trung vào tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1975. Thời điểm ấy, ông thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Xe tăng 390 gồm có lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên (trung sĩ); phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng (thiếu úy, lên thay pháo thủ số 2 bị thương) và ông Toàn là trung úy, chính trị viên đại đội.

xe-tang-1.jpg


Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4.
Sáng 10/4/1975 đơn vị ông bắt đầu hành quân từ Đà Nẵng vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường đi, một tiểu đoàn trinh sát đã tham gia giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết. Đại đội của ông là lực lượng nòng cốt đi sau.

Ngày 26/4, toàn bộ lực lượng bắt đầu bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba ngày sau, đại đội 4 đã giải phóng được toàn bộ căn cứ Nước Trong, trường sĩ quan thiết giáp của địch, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2.

Sáng 30/4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn, Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập. Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại đây địch chống trả rất quyết liệt. Các loạt đạn từ xe tăng M48, M41, M113 bắn sang, tàu dưới sông Sài Gòn bắn lên, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng.

xetang390_1.jpg


Bốn anh em trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Từ phải qua là các ông Vũ Đăng Toàn, Ngô Sỹ Nguyên, Lê Văn Phượng, Nguyễn Văn Tập. Ảnh: Hoàng Thùy.
"Chúng tôi đã dùng pháo cao xạ, súng M27 của xe tăng bắn lên, nhưng máy bay địch nâng độ cao và tiếp tục thả bom. Chúng tôi bị tổn thất nặng nề, xe bị cháy, xe bị sa lầy, mắc cạn, hỏng hóc, đại đội 2 và 3 mất sức chiến đấu bởi anh Nhỡ hy sinh, các chiến sĩ người hy sinh, người bị thương, băng bó cho nhau la liệt 2 bên cầu", ông Toàn kể lại.

Ông cho biết, Đại đội tăng 4 lúc đó có 7 xe, ban chỉ huy đại đội gồm 3 người là trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng), trưởng xe 843; thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng Kỹ thuật và ông là chính trị viên, trưởng xe 390. Sau khi hội ý, Ban chỉ huy quyết định không thể chậm trễ, phải xốc lại đội hình, tổ chức đại đội tiến vào bên trong.

Trước khi hành quân, Đại đội 4 cùng đơn vị bạn đã dùng một số đạn pháo bắn sang bên kia để uy hiếp tinh thần và tiêu diệt địch. Bắn mấy loạt pháo thì địch tháo chạy, quân giải phóng tiến lên. Xe của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng dẫn đầu, đến xe 390 rồi xe anh Thận, lần lượt đi. Đến ngã tư Hàng Xanh xe 390 bắn pháo tiêu diệt 2 xe thiết giáp N113 của địch sau đó rẽ trái, tiến về hướng dinh Độc Lập.

Đến cầu Thị Nghè thì xe của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng bị địch bắn, ông và các chiến sĩ bị thương, một lính bộ binh hy sinh. Nhờ nhân dân đưa đồng đội đến bệnh viện, xe 390 vượt lên dẫn đầu đội hình gấp rút tiến về chiếm dinh Độc Lập. Khi đến gần dinh thì xe ông đi chậm lại, xe 843 vượt lên. Đến cổng trái, xe 843 lại dừng lại, tắt máy.

"Thấy vậy, lái xe Tập hỏi tôi "Thế nào anh Toàn?". Tôi ra lệnh "Cứ tông thẳng vào". Ngay lập tức lái xe Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập lao vào trong sân, đến trước tiền sảnh thì dừng lại", ông Toàn hồi tưởng.

Bước ra khỏi xe, ông Toàn thấy Đại đội trưởng Thận đã ôm cờ nên vơ thêm một khẩu AK, chạy theo ông Thận hỗ trợ và sẵn sàng chiến đấu. Khi hai ông đến đầu nhà thì có người đứng chặn và giới thiệu "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống mời các ông lên làm việc".

"Có thêm người ra chỉ đường cho anh Thận lên nóc dinh cắm cờ, tôi theo Nguyễn Hữu Hạnh vào bên trong. Nội các của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ có hơn 50 người, ông Hạnh dồn hết vào phòng khánh tiết và sang phòng phía sau mời Dương Văn Minh lên", ông Toàn kể.

Lúc này, Ngô Sĩ Nguyên cũng lên tới nơi, sau khi tham gia dồn nội các của Dương Văn Minh vào một chỗ, ông đứng gác ở cửa. Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng còn Lê Văn Phượng thì ngồi trong xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc dinh để yểm hộ cho Bùi Quang Thận cắm cờ.

xetang390_2.jpg


Ông Vũ Đăng Toàn sau khi xuất ngũ đã trở về làm mọi nghề để chèo chống gia đình. Ảnh: Hoàng Thùy.
Sau khi có chỉ huy đến nói chuyện với Dương Văn Minh và đưa ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, ông Toàn cùng đồng đội ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ dinh. Khoảng một tiếng sau, Đại đội 4 của ông nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng bảo vệ cảng, bảo vệ kho hàng của chính quyền Sài Gòn. Ở đó chừng 4-5 hôm, đại đội rút về tổng kho Long Bình, sửa chữa xe, lau chùi súng pháo, bổ sung đạn dược, xăng dầu... sẵn sàng chiến đấu nếu có tổ chức nổi dậy.

Sau chiến thắng vang dội đó, mỗi lữ đoàn lại cử một bộ phận hành quân giải phóng Tây Nguyên. Tháng 12/1978, lữ đoàn xe tăng và quân đoàn 2 được điều sang Campuchia tham gia giải phóng nước bạn.

Đất nước hoàn toàn độc lập, ông Toàn lại về Hà Bắc xây dựng củng cố đơn vị. Năm 1981 lữ đoàn 203 cử cán bộ thành lập trường 900 ở Sơn Tây. Làm việc được vài năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Toàn được đơn vị cho về nghỉ hưu với quân hàm đại úy.

"Lúc đó bà xã bị ốm, 2 con nhỏ nên khó khăn chồng chất. Hạ ba lô xuống tôi nghĩ cách làm kinh tế để chèo chống gia đình. Tôi đi học nghề tráng bánh đa, thái phở, thái mì rồi chăn nuôi gà, vịt. Cuối cùng cũng giải quyết được lương thực cơ bản cho gia đình và có điều kiện đưa vợ đi chữa bệnh", vị chỉ huy năm xưa bùi ngùi. Hiện ba con của ông Toàn đều đã lập gia đình.

Ông Toàn cho biết, sau giải phóng, 4 anh em trên chiếc xe tăng 390 mỗi người một nơi, mãi đến năm 1995 mới có cơ hội gặp lại. Từ đó trở đi, năm nào cũng vài lần, 4 cựu chiến binh lại lặn lội đường xa, tìm đến thăm nhau. Các ông Tập, Phượng, Nguyên sau khi rời quân ngũ cũng có cuộc sống khó khăn, và hiện đều có con theo nghiệp bố.

Bốn chiến sĩ xe tăng năm xưa cho biết, niềm hạnh phúc nhất của các ông là được xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc và được cống hiến sức lực xây dựng đất nước.

Theo VnExpress
 
Top