• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

CÁC TIN TỨC THỜI SỰ HÀNG NGÀY NGOÀI XÃ HỘI!!!

Status
Không mở trả lời sau này.

PhuongAnh

New Member
Suýt mất xe LX vì mải chơi game​

Lợi dụng lúc Thuần mải chơi game, Tình (18 tuổi) thò tay móc trộm chìa khóa trong túi áo treo trên ghế.

Ngày 7/11, công an thành phố Hà Đông đã khởi tố Trương Thanh Tình ở huyện Mỹ Đức về hành vi trộm cắp tài sản.

Trước đó, 4/11, thấy Thuần đi xe Piagio LX dừng trước cửa hàng net ở phường Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), chàng thanh niên 18 tuổi này bám theo. Lợi dụng lúc chủ nhân chiếc xe mải chơi game trong khi áo khoác treo trên ghế, Tình đứng phía sau thò tay móc trộm chìa khóa rồi lẻn ra ngoài mở xe hòng tẩu thoát.

Do không biết sử dụng tay ga, loay hoay mãi máy không nổ được, Tình dắt chiếc xe trên vào ngõ gần đó. Thủ phạm đã bị chủ quán net bắt được.
 

PhuongAnh

New Member
Nhân viên kế toán làm giấy báo nhập học giả​

Để chạy vào cao đẳng Y tế, nhiều thí sinh đã chi 12-20 triệu đồng cho Hoàng Ngọc Hùng, nhân viên kế toán của trung tâm Phòng chống da liễu tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi nhập học, nhiều người mới biết đó là giấy báo giả.

Vụ việc được phát hiện đầu tháng 10 khi 3 thí sinh đến cao đẳng Y tế Thanh Hóa để nhập học theo "giấy báo nhập học trúng tuyển nguyện vọng 2 hệ trung cấp điều dưỡng đa khoa" của trường. Tại đây, nhà trường cho biết không tuyển nguyện vọng 2.

Cảnh sát cũng cho biết, toàn bộ giấy báo nhập học đều giả mạo. Hùng đã cung cấp nhiều giấy báo nhập học giả cho nhiều người khác, trong đó, có nạn nhân đưa hàng trăm triệu đồng..

Hùng hiện bỏ trốn. Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh truy nã với nhân viên 24 tuổi này.
 

PhuongAnh

New Member
Khoảng 300 chất vấn chờ Thủ tướng và 7 bộ trưởng​

Các bộ trưởng dự kiến trả lời chất vấn gồm: Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Công thương, Giáo dục Đào tạo, Y tế.

Trao đổi với VnExpress.net, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau khi các bộ trưởng kết thúc phần trả lời chất vấn, ngày 13/11, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.

Theo Văn phòng Quốc hội, đến sáng nay, đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được khoảng 300 chất vấn của hơn 120 đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề: ô nhiễm môi trường, quản lý lý đất đai, tình hình lạm phát, chính sách tiền tệ, dịch bệnh...

Thủ tướng và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là những thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất: hơn 40 câu. Đây là kỳ họp thứ tư liên tiếp Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đăng đàn. Tại kỳ họp này, người đứng đầu ngành Tài chính nhận được gần 30 câu hỏi.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp sẽ diễn ra 11-13/11.
 

PhuongAnh

New Member
Thị trường vàng lại nổi sóng
Giá trong nước sáng nay đắt thêm 100.000 đồng mỗi lượng, sau khi thế giới tăng mạnh gần 30 USD mỗi ounce. Tỷ giá tiền đồng và đôla nhích lên trong những ngày gần đây đang đẩy giá vàng trong nước tiến gần thế giới hơn.

Giá giao dịch vàng miếng tại các doanh nghiệp của Hà Nội sáng nay ở mức 16,65 - 16,75 triệu đồng mỗi lượng (mua vào - bán ra), tăng gần 100.000 đồng so với hôm qua.

Giá vàng SJC tại TP HCM cũng giao dịch ở mức 16,65-16,75 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau giờ mở cửa, các cửa hàng đồng loạt niêm yết giảm 50.000 đồng mỗi lượng.

Một số cửa hàng kim hoàn đầu giờ sáng nay nới rộng chênh lệch giá mua bán để đối phó với sự biến động của giá vàng. Cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý Tân Định (ngã tư Nguyễn Hữu Cầu - Hai Bà Trưng) áp dụng mức giao dịch 16,61-16,78 triệu đồng. 2 ngày cuối tuần, giá bán chỉ cao hơn giá mua chừng 50.000-60.000 đồng mỗi lượng.

Giá vàng miếng Phượng Hoàng PNJ - DongA Bank 9h sáng nay ở mức 16,68-16,75 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra), tăng 90.000 đồng mỗi lượng so với giá niêm yết 2 ngày cuối tuần. Trên thị trường, sức mua vào của nhà đầu tư vẫn chiếm ưu thế. Trong 2 ngày cuối tuần, hệ thống bán lẻ của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra 2.500 lượng, mua vào khoảng 500 lượng.

Trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn thuộc Ngân hàng Á Châu (ACB), giờ mở cửa sáng nay giá đang ở mức 15,664 triệu đồng một lượng. Khớp lệnh cao nhất có lúc đạt 15,79 triệu đồng, mức thấp nhất 15,658 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trên sàn sau thời điểm 9h chỉ nhúc nhích quanh mức 15,7 triệu đồng một lượng. Từ lúc này, giao dịch trên sàn vàng cũng trở nên bớt sôi động. Đến 9h40, tổng khối lượng giao dịch trên sàn ACB đạt 54.150 lượng, tương đương 849 tỷ đồng.

Hiện giá kim loại quý trong nước cao hơn thế giới khoảng 1 triệu đồng, so với mức 1,5 triệu đồng những ngày trước. Khoảng chênh lệch được thu hẹp do các doanh nghiệp điều chỉnh giá tăng nhẹ hơn so với diễn biến trên thị trường quốc tế. Mặt khác, tỷ giá đôla tại ngân hàng thương mại những ngày gần đây lên trên 16.900 đồng cũng khiến giá quy đổi tăng khá mạnh so với trước.

Cuối tuần qua, giá vàng thế giới chốt ở 733,9 USD mỗi ounce, chỉ tăng nhẹ so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, mở cửa phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, giá lên trên 750 USD mỗi ounce, tăng gần 30 USD. Vào 10h sáng, vàng giao ngay ở 749,2 USD.

Diễn biến mới trên thị trường kim loại quý xuất phát từ việc Chính phủ Trung Quốc hôm 9/11 công bố gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD. Việc nền kinh tế lớn thứ tư thế giới thực hiện các biện pháp kích cầu và nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính đã giúp giới đầu tư vững tâm hơn. Tuy nhiên, đây mới là diễn biến trên thị trường châu Á, và phải đến phiên giao dịch tại thị trường New York (đêm nay theo giờ Hà Nội), giới đầu tư mới xác định xu hướng đi lên đã vững chắc hay chưa.

Sau một ngày tăng mạnh lên 17.420 đồng, sáng nay giá đôla trên thị trường tự do tại Hà Nội đã giảm nhẹ, xuống mức 17.350 đồng. Giá đôla trên thị trường TP HCM giao dịch ở mức 17.300-17.380 đồng một đôla (mua vào - bán ra). Tại các bàn thu đổi ngoại tệ, giao dịch trong 2 ngày cuối tuần bớt sôi động so với những ngày trước đó.
 

PhuongAnh

New Member
Có tiêu hết 550 triệu USD, Hà Nội vẫn ngập​

Dự án thoát nước Hà Nội với tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn 550 triệu USD được dự kiến hoàn thành sau 5 năm nữa (2013) cũng chỉ giúp thủ đô chống chọi được cơn mưa trên 300 mm.

Theo dự kiến, hai giai đoạn của dự án thoát nước Hà Nội được thực hiện trong 10 năm (1995-2005). Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, năm 2005, giai đoạn một mới hoàn tất. Giai đoạn 2 đang rục rịch tiến hành và không thể xong trước 2013.

Trong khi đó, từ năm 1992, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giúp Hà Nội lập quy hoạch thoát nước nội đô thuộc lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Quy hoạch này hoàn thành năm 1995.

Từ đó đến nay, Hà Nội nhiều lần điều chỉnh quy hoạch đô thị nhưng quy hoạch hệ thống thoát nước không hề thay đổi.

Theo ông Lê Hồng Quân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, trước đây thủ đô định hướng phát triển về phía Bắc nhưng hiện nay đã phát triển về phía Tây và còn mở rộng ra tỉnh Hà Tây cũ. Trong khi đó, dự án thoát nước sau khi kết thúc giai đoạn 1 vẫn loanh quanh ở 4 quận nội thành, giới hạn bởi sông Tô Lịch và sông Hồng.

Để bổ khuyết cho hướng phát triển đô thị mới, ông Quân cho biết, Ban quản lý cũng đã có kiến nghị với thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hiện kiến nghị này mới dừng ở mức độ xem xét.

Lý giải cho việc hàng loạt khu đô thị mới ở Hà Nội chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng trong đợt mưa lớn vừa rồi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, một phó giám đốc khác của Ban quản lý dự án cho rằng, giai đoạn một chỉ bao phủ diện tích 77,5 km2.

Điều này có nghĩa là các khu đô thị mới như Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính, Định Công, Linh Đàm chưa nằm trong quy hoạch thoát nước hiện tại của Hà Nội.

"Những khu này có hệ thống thoát nước cục bộ tốt nhưng chưa kết nối được với hệ thống của thành phố nên chịu cảnh ngập lụt như vừa qua", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, chỉ khi hoàn tất toàn bộ dự án (dự kiến cuối 2013), những khu đô thị này mới được kết nối với hệ thống của thành phố. Lúc đó, việc tiêu thoát khi gặp các trận mưa lớn ở đây mới được giải quyết.

Tuy nhiên, cho dù hoàn thành toàn bộ dự án, năng lực thoát nước của Hà Nội cũng chỉ dừng lại ở trận mưa 310 mm trong 2 ngày. Trong khi trận mưa vừa rồi, riêng nội thành mưa trung bình trên 500 mm. Trong mùa mưa năm 2008, Hà Nội cũng liên tiếp đón nhận hàng loạt trận mưa lớn, cảnh ngập lụt cục bộ diễn ra khắp nơi.
Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn một đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 180 triệu USD, giai đoạn 2 sắp sửa tiến hành với số vốn 370 triệu USD. Phạm vi bao phủ lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ (135,4 km2), phía Bắc và Đông giáp đê sông Hồng, Tây giáp sông Nhuệ, Nam giáp hạ lưu sông Kim Ngưu.
 

PhuongAnh

New Member
Cần 40 tỷ đồng vá đường Hà Nội

Trong đợt mưa ngập vừa qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội đã bị lún, sụt, bong tróc tạo thành các ổ trâu, ổ gà. Ước tính, cần tới hơn 40 tỷ đồng.

Ông Phạm Hữu Nam, Trưởng phòng Giao thông đô thị Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, do mặt đường ngập nước, các phương tiện đi tràn lên vỉa hè nên nhanh chóng bị xuống cấp. Tại nhiều tuyến đường dải phân cách cũng bị hư hỏng nặng cho nên để "vá" hết những "khiếm khuyết" này thành phố cần đầu tư tới hơn 40 tỷ đồng.

Hiện Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu 5 công ty công trình giao thông của thành phố huy động nhân lực, phương tiện máy móc, vật tư để sửa chữa mặt đường, dải phân cách. Công tác duy tu, sửa chữa đang được đẩy nhanh ở các tuyến đường: Kim Giang, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Cửa Bắc, Nguyễn Văn Cừ, đường 21, 21B, 491, Quốc lộ 70...

Việc duy tu sẽ diễn ra chủ yếu vào ban đêm để bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông.
 

PhuongAnh

New Member
11 ngày sống trong nước bẩn​

Hôm nay, nắng ấm tràn ngập các góc phố thủ đô, nhưng người dân ngõ 204 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) vẫn chìm trong nước bẩn, rác thải. Nguy cơ dịch bệnh đang hiện hữu.

Sáng 10/11, hàng trăm mét ngõ này vẫn ngập, sâu nhất lên tới 40 cm, khiến nhiều xe chết máy khi băng qua. Do bất ngờ vì tưởng nước nông nên khi xe chết máy, nhiều người đành chống cả giày và tất xuống dòng nước đen ngòm.

Hầu hết bể nước chìm trong các nhà dân đều bị nước cống tràn vào. Không có điện, nước, nhiều hộ dân đi ở nhờ, còn những người cố trụ lại đành phải ngày ngày đi xin hoặc mua nước sạch về dùng.

Bức xúc trước việc phải sống trong cảnh ngập nước bẩn và rác thải, sáng nay, người dân đã thuê máy bơm hút nước thải đổ ra đầu ngõ. Tuy nhiên, với chiếc máy bơm nhỏ, họ lo lắng bởi chẳng biết khi nào, hàng trăm khối nước bẩn trong ngõ này mới được rút hết.

Trên đường Trần Duy Hưng, đây là ngõ duy nhất vẫn bị ngập sau đợt mưa lớn ngày 30/10-4/11. Trước đó, nhiều nơi trong ngõ ngập sâu cả mét khiến người dân muốn đi lại phải thuê bè với giá 15.000 - 20.000 đồng một lượt.
 

PhuongAnh

New Member
Làm rõ trách nhiệm bộ trưởng về ngập lụt, ô nhiễm

"Hai vấn đề cử tri đang bức xúc là ô nhiễm môi trường và ngập lụt gây thiệt hại nặng. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường và Bộ trưởng Nông nghiệp cần làm rõ trách nhiệm cá nhân", đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với VnExpress.net trước phiên chất vấn - sáng 11/11.

- Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường vừa có văn bản trả lời chất vấn của ông. Ông đánh giá thế nào về phần trả lời này?

- Tôi gửi Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là Vedan đã vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trong một thời gian dài mà không bị xử lý nghiêm. Trách nhiệm của bộ, các tổ chức cá nhân trong vụ việc này thế nào?

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, có trách nhiệm của doanh nghiệp, địa phương và cả bộ trong vụ Vedan. Tuy nhiên, Bộ trưởng cần phải trả lời cụ thể hơn về trách nhiệm của bộ. Tôi thấy, thời gian vừa qua các cơ quan quản lý từ trung ương lẫn địa phương đều lúng túng trong việc giải quyết vi phạm môi trường của các doanh nghiệp.

- Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng Luật môi trường chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt còn nhẹ khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn?

- Đúng là có một số ý kiến cho rằng luật của ta còn sơ hở. Tuy nhiên, tôi đã đọc lại Luật hình sự, Luật môi trường và thấy rằng không phải là chúng ta thiếu cơ sở pháp lý. Trong chế tài xử phạt có cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm, đối với công chức không thực hiện đúng chức năng...

Vấn đề cốt yếu, tôi cho rằng các bộ phải kiên quyết hơn và có quan điểm dứt khoát trong việc đảm bảo môi trường bên cạnh phát triển kinh tế. Nếu chỉ vì phát triển kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm mà không xử lý kiên quyết các doanh nghiệp gây ô nhiễm thì không ổn.

Dòng sông Thị Vải ô nhiễm có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Nếu bảo vệ quyền lợi cho nhóm này thì sẽ vi phạm quyền lợi của nhóm khác.

- Dung hòa lợi ích kinh tế và môi trường đang là bài toán khó với những nước đang phát triển. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng không nên quy hoàn toàn trách nhiệm ô nhiễm môi trường cho Bộ Tài nguyên?

- Đúng là vừa qua nhiều địa phương chạy theo thu hút đầu tư, xem nhẹ vấn đề môi trường. Một số địa phương không nghe chỉ đạo của Bộ, thậm chí có địa phương đẩy vấn đề lên Chính phủ, khiến quá trình giải quyết bị kéo dài. Đứng về mặt vĩ mô, cần chất vấn Thủ tướng về vấn đề này.

Ngoài ra, tôi cũng muốn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường giải trình về công tác dự báo thời tiết trong trận mưa kỷ lục. Sau đợt ngập lụt vừa qua, nhiều cử tri, không chỉ Hà Nội rất bức xúc về công tác dự báo.

- Để xảy ra ngập lụt gây thiệt hại nặng, theo ông, trách nhiệm của các bộ trưởng như thế nào?

- Tôi cho rằng phản ứng của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Hà Nội chậm trễ, bị động và để xảy ra hậu quả thương tâm. Trong những trận lụt bão năm ngoái và năm nay, nhiều nơi tâm bão đi qua mà không chết ai. Tại sao Hà Nội chết đến 22 người trong đợt ngập lụt, trong đó có trường hợp sa chân xuống dưới mương giữa trung tâm thành phố.

Tôi muốn chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp, kiêm Trưởng ban phòng chống lụt bão trung ương là tại sao để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào? Tại sao Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đến giờ vẫn không yêu cầu thành phố Hà Nội kiểm điểm nghiêm khắc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng: Tôi đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Công thương về việc tạm dừng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao khiến người dân bị thiệt hại. Theo giải trình của Bộ trưởng Nông nghiệp, công tác dự báo của bộ đúng, việc ngừng ký thêm hợp đồng là nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng tôi thấy, nói như vậy chưa ổn.

Thời điểm đó, giá gạo xuất khẩu là 1.200 USD một tấn và một số nước như Thái Lan, Ấn Độ đã chớp thời cơ và thắng to. Khi chúng ta bắt đầu cho xuất gạo trở lại thì giá thế giới chỉ còn 600 USD một tấn, thiệt hại kinh tế rất lớn, nông dân điêu đứng. Tại phiên chất vấn tới, nếu Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời không thỏa đáng, tôi sẽ chất vấn Thủ tướng.
 

PhuongAnh

New Member
3 xe tải bí mật đổ chất thải nguy hại

Gần 20 tấn chất thải nguy hại dùng trong ngành dệt được phát hiện đổ tại một xã vùng sâu của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… Cơ quan chức năng đang truy tìm chủ nguồn thải.

Ngày 9/11, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên môi trường) cùng Cảnh sát môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xem xét hiện trường để điều tra.

Theo một lãnh đạo của Chi cục Bảo vệ môi trường, số lượng chất thải trên khoảng gần 20 tấn có 2 dạng là bột và lỏng, được đổ thành 3 khối liền kề nhau. Trong đó có một số chất thải dạng bột đã rơi vãi ra ngoài, có màu đỏ và vàng, bốc mùi khó chịu, thỉnh thoảng có làn khói bay lên. Cũng theo cán bộ chức năng, số chất thải này được dùng trong công nghệ dệt nhuộm - nằm trong danh mục chất thải nguy hại của Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành.

Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng tỉnh đã dùng bạt che phủ lên đống chất thải, đồng thời đào rãnh xung quanh ngăn không cho thấm xuống con suối ở gần đó. Đồng thời thuê 2 công ty vận chuyển số chất thải trên, đưa lên Bình Dương xử lý. Hiện đã có khoảng 10 tấn chất thải được rời đi khỏi hiện trường.

Trước đó, người dân ở thôn Lồ Ô, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức phát hiện 3 chiếc xe mang biển số TP HCM chạy vào thôn. Sau đó, đoàn xe dừng lại bên ruộng (cách suối Lô Ô khoảng 500m) rồi đổ xuống hàng trăm thùng phuy, can nhựa, bao tải đựng chất thải. Người dân đã điện báo nhưng khi cơ quan chức năng có mặt thì đoàn xe đã đi mất.
 

persie

New Member
“Thần tài” “ban” số đề qua điện thoại


Gần đây, một số hộ gia đình ở xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhận được cuộc gọi của một người đàn ông giọng miền Nam. Người này xưng là nhân viên bưu điện nên biết số điện thoại và muốn giúp chủ thuê bao kiếm tiền nhanh chóng.

Nói rồi, người này cho chủ thuê bao các con số đẹp để đánh lô, đánh đề. Anh ta nói chắc như đinh đóng cột rằng ngày nọ, ngày kia đề sẽ "về" số mình cho. Nhiều người đã tin và dốc tiền bỏ vào con số người kia cho. Kết quả thật bi hài.

Ông Nguyễn Ngọc L. được người chưa biết mặt cho số 42. Bán tín, bán nghi, ông bỏ 200.000đ ra đánh lô và trúng 8.000.000đ. Vừa cầm số tiền thắng cuộc từ chủ lô về, ông lại nhận được điện thoại của người lạ mặt yêu cầu nộp 5.000.000đ vào tài khoản 57002… của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Tây Ninh.

Nếu nhận được tiền, người này lại cho con số may mắn khác để ông đánh vào hôm sau. Tin tưởng "thần tài", sáng hôm sau ông L. đem tiền nộp vào tài khoản theo thoả thuận. Người đàn ông kia sau đó đã cho ông "con" 48 để đánh tiếp.

Dốc toàn bộ tiền bạc trong nhà, tiền thắng lô hôm trước được 12.000.000đ, ông L. "đánh" hết vào "con" 48. Tiếc rằng, hôm đó đề lại về số khác. Tiếc tiền, ông gọi điện lại cho người cho số thì hắn tắt máy. Không giữ mãi ấm ức trong lòng, ông tâm sự với hàng xóm. Hoá ra, người này cũng bị mắc lừa như ông. Xót của, ông giận mình cả tin để tiền mất, tật mang.

Hình thức lừa đảo trên không mới, trước đây chúng tôi đã có bài viết phản ánh tình trạng này ở Sóc Sơn, Hà Nội. Kẻ lừa đảo còn xưng là người của công ty xổ số để tạo lòng tin. Nạn nhân nếu thắng lô đề đều phải nộp tiền vào tài khoản của hắn, còn khi bị thua phải chịu.

Nghiêm trọng hơn là do đối tượng bảo sẽ trúng nên họ dốc tiền bạc vào "đánh" nên mức độ thiệt hại rất lớn. Mong rằng đây sẽ là bài học để mọi người cùng cảnh giác
 

PhuongAnh

New Member
Bộ trưởng Cao Đức Phát xin 'nhận mọi hình thức kỷ luật'
Thừa nhận trách nhiệm cá nhân khi dự báo sai sản lượng lúa gạo và sẵn sàng "nhận kỷ luật của Quốc hội", nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát không cho rằng có sự lúng túng trong chỉ đạo đợt mưa, lũ lớn vừa qua.

Mở màn phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về sự bị động, chủ quan, chậm trễ của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng như trách nhiệm của lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phương để xảy ra thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua.

Theo ông Phát, từ ngày 30/10 đến 3/11, mưa trên diện rộng diễn ra ở 15 tỉnh thành. Với lưu lượng 100-400 mm, có nơi gần 1.000 mm, đây là đợt mưa lớn nhất trong 35 năm ở Hà Nội, còn nếu tính ở Hà Tây cũ thì đó là kỷ lục trong 48 năm.

Thừa nhận đợt mưa này lớn hơn dự kiến, vượt xa năng lực cơ sở hạ tầng và gây bất ngờ, nhưng Bộ trưởng Phát khẳng định, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương không lúng túng. "Bất ngờ thì có vì đó là trận mưa lớn hơn dự kiến nhưng không lúng túng. Tuy nhiên, sau đợt mưa này, chúng tôi thấy cũng sẽ phải ngồi lại với nhau rà soát lại quy hoạch để có điều chỉnh phù hợp với sự phát triển mới cũng như biến đổi của thời tiết".

Cho rằng cách giải thích của Bộ trưởng Phát chân thành nhưng chưa thuyết phục cử tri, đại biểu Thuyết tiếp tục đặt vấn đề: "Có địa phương tâm bão đi qua không chết một ai, nhưng trong thành phố Hà Nội lại chết tới 22 người. Mương nước không có biển báo, dân đói không có cứu trợ ngay... là những biểu hiện của lúng túng. Đề nghị Bộ trưởng thuyết minh lại để giải đáp băn khoăn cho cử tri. Không chỉ ngồi lại mà cần phải xử lý nghiêm khắc để lần sau không tái diễn việc này nữa".

Tuy nhiên, đại biểu Thuyết chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng do thời gian dành cho nhóm vấn đề này đã hết.

Tiếp đó, các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến tích tụ ruộng đất ở nông thôn, bảo vệ và trồng rừng, giống cây trồng và vật nuôi...

Sau gần 2 tiếng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời 24 lượt ý kiến, ngoài 18 chất vấn gửi bằng văn bản tới đại biểu. Tuy nhiên, vẫn còn 6 đại biểu chưa được nêu câu hỏi do thời gian chất vấn đã hết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn tiếp thu, nhận khuyết điểm, sẵn sàng nhận trách nhiệm trong công tác điều hành, nhưng do cách diễn đạt chưa mạch lạc lưu loát nên một số đại biểu chưa hài lòng với cách trả lời.

"Trước thiệt hại lũ quét vừa qua, chúng tôi được biết Bộ trưởng đi rất sớm, đường ôtô tắc nên Bộ trưởng lội bộ qua rừng cả đêm. Tinh thần như thế là đáng hoan nghênh. Vừa qua, lụt ở Hà Nội, Bộ trưởng cũng có chỉ đạo kịp thời", Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thằng thắn phê việc giá vật tư tăng cao, thuốc trừ sâu chất lượng kém, dự báo thời tiết kém... khiến nông dân không hài lòng. Chủ tịch cho rằng phải nghiên cứu dự báo tốt hơn, không để xảy ra bất ngờ ngay tại giữa thủ đô.

Sáng nay, Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhận được 18 chất vấn liên quan đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và quản lý rừng, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn...

Bức xúc trước việc giá gạo tăng liên tục do tin đồn rồi lại giảm liên tiếp do sản lượng dư thừa, gây thiệt hại cho nông dân, đại biểu Nguyễn Hồng Diện nêu câu hỏi: "Bộ trưởng đánh giá thế nào về thiệt hại của nông dân trước chủ trương ngừng xuất khẩu gạo khi giá tăng đột biến do tin đồn? Dự báo vừa qua của Bộ trưởng đúng hay sai? Trách nhiệm này như thế nào? Giải pháp của Bộ đối với lượng lúa tồn đọng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long?"

Ông Phát cho rằng, tháng 4, giá gạo thế giới lên gấp 4 lần giá bình quân năm 2007 nên giá trong nước cũng biến động theo. Cuối tháng 3, Việt Nam ký 2,4 triệu tấn xuất khẩu nhưng mới giao được 800.000 tấn nên ngừng ký mới hợp đồng để tập trung vào hợp đồng cũ.

"Tháng 6, giá gạo xuống vì giá thế giới cũng xuống. Chính phủ tìm mọi cách kích thích tiêu thụ nhằm giữ giá cho nông dân và chỉ thị cho hai Tổng công ty lương thực mua 800.000 tấn và sắp tới mua thêm 300.000 tấn lúa với yêu cầu lỗ cũng mua", người đứng đầu ngành nông nghiệp đề cập tới giải pháp giúp nông dân.

Vụ Đông xuân vừa qua, cả nước tăng thêm 750.000 tấn lúa gạo, cao hơn nhiều so với dự báo, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, dự báo không chính xác. Đồng thời, ông cũng cho biết, đã chấn chỉnh các cơ quan trong Bộ về vấn đề này và sắp tới cần có điều hành chính xác hơn.

Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) tiếp tục truy vấn: "Cái gốc của việc ngừng ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo là do dự báo sai sản lượng. Tôi muốn đề cập vấn đề này để quý Bộ xác định trách nhiệm của Bộ trưởng và cơ quan liên quan?"

Sau câu hỏi thẳng này, Bộ trưởng Nông nghiệp thoáng chau mày rồi chậm rãi nói: "Trách nhiệm về việc dự báo sai là thuộc về cá nhân tôi - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội theo luật pháp".

Ông Phát nhắc lại, Bộ Nông nghiệp đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và chỉ đạo thành lập các cơ quan chuyên trách về dự báo, chiến lược và chính sách của Bộ... Đồng thời, yêu cầu các Cục trưởng chịu trách nhiệm về vấn đề theo dõi và dự báo tình hình sản xuất của các loại nông sản.

Sau câu trả lời của Bộ trưởng Phát, gương mặt của nhiều đại biểu dãn ra, tỏ vẻ tán đồng. Thậm chí, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) còn cảm ơn Bộ trưởng Phát vì "tinh thần dám chịu trách nhiệm, thẳng thắn và vô cùng dũng cảm trước Quốc hội và trước nông dân nước nhà".

Trong phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu còn đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp khi sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu chất lượng thấp, gây thiệt hại cho nông dân; giải pháp tiêu thụ 600.000 tấn lúa cho nông dân Kiên Giang; sản xuất nông sản biến đổi gen...
 

PhuongAnh

New Member
Vi phạm giao thông được nộp phạt qua tài khoản
Người vi phạm luật giao thông đường bộ sẽ được nộp phạt bằng cách trừ vào tài khoản cá nhân tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước...

Đó là nội dung của thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ do liên bộ vừa ban hành.

Theo đó, người bị xử phạt có thể yêu cầu ngân hàng mở tài khoản chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt. Việc trừ tiền nộp phạt từ tài khoản của người vi phạm được thực hiện thông qua thanh toán bằng ủy nhiệm chi.

Sau khi nộp phạt, người vi phạm lưu lại uỷ nhiệm chi làm chứng từ chứng minh đã nộp phạt đầy đủ mang đến cơ quan của người ra quyết định xử phạt nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ.

Sau đó, cơ quan ra quyết định xử phạt hoàn trả cho người vi phạm toàn bộ giấy tờ hoặc phương tiện vi phạm đã bị tạm giữ, trừ những tang vật, phương tiện bị tịch thu hoặc trường hợp bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, đình chỉ lưu hành phương tiện có thời hạn.

Thời gian thực hiện nộp phạt qua tài khoản phải trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người vi phạm được giao quyết định xử phạt.
 

persie

New Member
Đội mũ bảo hiểm không cài quai sẽ bị phạt 200.000 đồng​


Theo thông tư mới của Bộ Công an, từ 13/11, người điều khiển xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai sẽ bị coi là không đội và xử phạt 100.000 - 200.000 đồng.
Thông tư của Bộ Công an còn hướng dẫn thi hành một số quy định khác về xử phạt hành vi điều khiển xe lắp bánh lốp không đúng kích cỡ, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe; xử phạt hành vi người điều khiển xe ôtô chở khách, ôtô chở người vượt quá số người quy định...

Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, từ 12/2007, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy đều phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên các tuyến đường. Quy định cũng chỉ rõ để an toàn cho người sử dụng khi đội mũ bảo hiểm phải cài quai.
 

persie

New Member
Người dân sẽ được giảm cước điện thoại nội tỉnh!"


- Trong buổi trả lời trực tuyến sáng nay (11/11/2008) của Thứ trưởng thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, nội dung về đề án tái cơ cấu cước điện thoại nội hạt và nội tỉnh được báo giới đặc biệt chú ý. Theo đó, trong thời gian tới, người dân vùng nông thôn sẽ được hưởng hợi nhờ mức cước điện thoại nội tỉnh rẻ hơn so với hiện tại.

Mức cước điện thoại nội tỉnh còn bất cập

Trong phần trả lời báo chí đầu giờ sáng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nêu lên tính bất cập trong việc áp dụng cách tính cước nội hạt, nội tỉnh như hiện nay. Theo đó, tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, các cuộc gọi nội vùng được áp mức cước nội hạt với giá rẻ. Nhưng tại các tỉnh khác, các cuộc gọi bên trong tỉnh lại bị áp dụng mức cước nội tỉnh cao hơn cước nội hạt tại các thành phố lớn, dù khoảng cách giữa 2 đầu cuộc gọi có thể còn ngắn hơn cuộc gọi nội hạt trong thành phố lớn.

Do đó, nội dung đề án tái cơ cấu cước điện thoại nội hạt và nội tỉnh sẽ đặt mục tiêu giảm mức cước nội tỉnh xuống thấp như cước nội hạt tại các thành phố lớn, nhằm giúp người dân tại các vùng nông thôn được tiếp cận với mức cước điện thoại rẻ hơn khi gọi điện thoại nội tỉnh.

Cũng theo Thứ trưởng Thắng, tỉ lệ người dân được hưởng lợi từ đề án này sẽ rất nhiều, vì theo số liệu thống kê, trong 10 cuộc điện thoại thì có đến 9 cuộc là gọi nội tỉnh. Số lượng thuê bao điện thoại cố định tại các tỉnh cũng rất lớn chứ không hề nhỏ.

Khi được hỏi về khả năng các doanh nghiệp viễn thông gặp bị thất thu do giảm cước gọi nội tỉnh hay không? Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết tất cả các doanh nghiệp viễn thông đều ủng hộ đề án tái cơ cấu cước nội hạt, nội tỉnh.

Bên cạnh đó, khi mức cước nội tỉnh giảm đáng kể, sẽ kích thích nhu cầu sử dụng của người dân, và doanh nghiệp viễn thông thậm chí còn tăng doanh thu cao hơn.

Đồng nhất cước nội hạt, nội tỉnh với giá 200đ/phút

Mặt khác, theo đề án tái cơ cấu cước điện thoại nội hạt, nội tỉnh, mức cước nội hạt sẽ được điều chỉnh cao lên để giảm khoảng cách chênh lệch và sự phân biệt giữa cước nội hạt và cước nội tỉnh.

Theo giải thích của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, mức giá cước nội hạt được ban hành từ năm 2000 và không đổi cho đến nay. Trong xu thế giá cả đều tăng trong khoảng thời gian đó, mức cước nội hạt hiện tại đang bị thấp hơn giá thành.

Mức cước nội hạt bị thấp hơn giá thành còn xuất phát từ hệ quả trước đây, để phổ cập rộng dịch vụ điện thoại cố định, cước nội hạt đã được bù chéo từ các dịch vụ khác. Nhưng đến nay, chi phí giá thành của các dịch vụ đó cũng đã tiến sát tới phí dịch vụ, nên không thể tiếp tục bù chéo lợi nhuận cho cước nội hạt nữa.

Thứ trưởng Thắng cũng cho biết: "Trước khi trình đề án lên Thủ tướng, Bộ TT-TT đã lấy ý kiến của các DN. Các khảo sát cho thấy ảnh hưởng rất ít tới các DN ở cả 2 phương án, các DN không có thay đổi doanh thu. Người tiêu dùng không phải chi trả thêm đáng kể".

"Đề án tái cơ cấu cước nội hạt, nội tỉnh đã được Bộ trình Chính phủ vào cuối tháng 10/2008, xin đề nghị Thủ tướng thực hiện theo phương án 2. Theo đó, từ 1/1/2009 sẽ thực hiện giai đoạn 1. Bộ TT-TT chỉ quản lý gói cước cơ bản (gói cước liên lạc tại nhà thuê bao), mức cước thuê bao 20.000, liên lạc nội hạt 200 đồng/phút, vùng nội hạt là toàn bộ địa giới trong tỉnh, thành phố. Tính cước của gói cơ bản là tính 1 phút.

Về các gói cước khác: Triển khai tại các điểm giao dịch, của các khách hàng lớn. Các DN được quyền tự quy định giá cước. DN tự quy định theo chỉ số giá trần CPI (sự biến động trong năm của chỉ số giá của nền kinh tế). Các DN quy định không vượt quá 50% gói cước cơ bản."

Thêm đầu số điện thoại cố định là hợp lý!

Trả lời câu hỏi báo chí về việc nâng đầu số thuê bao cố định lên 8 chữ số tại các thành phố lớn như Hà Nội, với kho số lên tới cả trăm triệu số, trong khi dân số Việt Nam chỉ mới hơn 84 triệu dân, liệu có phải là một sự lãng phí tài nguyên kho số hay không? Thứ trưởng Thắng cho biết:

"Hiện tại, nếu tính cả dân cư di chuyển từ các vùng khác về thì Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu dân. Với dải thuê bao 7 chữ số thì kho số được sử dụng là khoảng 8 triệu số. Như vậy sẽ không đảm bảo trong tương lai. Do đó việc tăng thêm đầu số cho thuê bao cố định là hợp lý, và khi tăng thêm 1 con số thì quỹ kho số tăng lên 10 lần, từ 8 triệu thành 80 triệu số và việc dễ hiểu."

"Hiện tại, quá trình đổi số điện thoại cố định cơ bản đã thực hiện xong, nhưng phải còn một thời gian nữa thì người dân mới quen được hoàn toàn", Thứ trưởng Thắng cho biết thêm.
 

PhuongAnh

New Member
Học phí phổ thông sẽ đóng góp theo khả năng​

Chiều 11/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong đề án học phí mới, người thu nhập cao phải đóng cao hơn trước nhưng nằm trong khả năng chi trả.

Theo Phó thủ tướng, nguồn vốn đầu tư giáo dục chủ yếu lấy từ ngân sách và người dân đóng góp theo khả năng.

"Trong đề án học phí có đặt vấn đề, ở chỗ nào người dân nghèo đến mức miễn học phí cũng không đủ điều kiện đi học thì Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí. Người thu nhập cao phải đóng cao hơn trước nhưng nằm trong khả năng chi trả, còn người nghèo thì đóng ít. Do vậy, nếu nói chủ trương khối phổ thông tăng học phí là sai", người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.

Còn về học phí ĐH - CĐ, Phó thủ tướng Nhân cho hay, khi điều chỉnh tăng học phí, sinh viên gặp khó khăn được vay để học, đảm bảo không bị ảnh hưởng học tập. Tuy nhiên, mức tăng vẫn chưa được tiết lộ.

Trước đó, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đề án học phí mới sẽ được áp dụng cuối năm. Học phí hệ ĐH, CĐ sẽ có 2 loại, trong đó, học phí chương trình đại trà chia làm 7 nhóm ngành và theo trình độ đào tạo, sinh viên nhóm ngành Y có thể phải đóng học phí cao nhất. Còn học phí chương trình chất lượng cao thu hút liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Thay vì được miễn phí như hiện nay, sinh viên ngành sư phạm sẽ được cho vay vốn để đóng học phí. Nếu người tốt nghiệp đi dạy ít nhất 5 năm sẽ được nhà nước xóa nợ phần chi trả cho học phí (cả gốc lẫn lãi).
 

PhuongAnh

New Member
Hà Nội hoãn tổ chức kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam​

Theo kế hoạch, ngày 13/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khen thưởng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Tuy nhiên, kế hoạch này vừa bị hoãn để ưu tiên cho việc khắc phục hậu quả ngập úng.

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho hay, ngày 13/11, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến tổ chức "Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, Nhà giáo mẫu mực tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm 2008".

Tuy nhiên, theo ông Thống, sau đợt mưa lụt vừa qua, nhiều trường vẫn chưa thể dạy và học nên Sở quyết định hoãn buổi lễ vào thời gian thích hợp để tập trung khắc phục hậu quả của đợt úng ngập, ổn định công việc dạy và học.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn thành phố có 3 học sinh tử vong vì bị nước cuốn. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT đã quyết định cho học sinh toàn thành phố nghỉ hai ngày. Tiếp đó, hàng trăm nghìn học sinh ở các vùng ngập, trường ngập được nghỉ học đến hết tuần này.
 

PhuongAnh

New Member
Sinh viên bị đình chỉ học vì viết blog vô lễ​

Bị cấm thi trong học kỳ 1 vì không đóng học phí, sinh viên tên Lâm đã lên blog của mình "tố" thầy "cứng nhắc và bảo thủ". ĐH Ngoại Thương (cơ sở 2 - TP HCM) đã có quyết đình chỉ học 1 năm đối với sinh viên này.

Theo quyết định này thì Lâm đã đưa thông tin sai sự thật trên Internet, xúc phạm đến nhân thân của một số cán bộ, giáo viên, gây phương hại đến danh dự uy tín của nhà trường. Hình thức kỷ luật này sẽ được ghi trong bảng kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên khi ra trường.

Cũng theo quyết định trên, Lâm có nghĩa vụ phải cải chính các thông tin sai sự thật mà mình đã viết trên blog bằng việc công khai nội dung Bản tường trình và Bản tự kiểm điểm lên. Việc này là theo cách thức mà sinh viên đã sử dụng để xúc phạm đến nhà trường và cán bộ, giáo viên.

Bản tường trình trước đó của Lâm thừa nhận đã viết bài trên blog vào thời gian bị cấm thi tất cả các môn vì đóng học phí không đúng thời hạn quy định. Theo đó, sinh viên này đã có những câu chữ như: đóng học phí trễ cũng chẳng đáng bị thế này; thầy có ác quá không; thầy là người cứng nhắc và bảo thủ; thông báo không được đưa ra ngoài sảnh thì bố ai mà thấy được…

Lâm trình bày thêm, những năm trước sinh viên đóng học phí chậm vài ngày thì vẫn được phép thi nhưng năm nay không nghe thông báo gì khác và có tâm lý chủ quan. Đến khi biết bị cấm thi, do lo lắng, suy nghĩ quẩn nên viết blog nhằm tìm sự chia sẻ của bạn bè và người thân. Trong bản tường trình, sinh viên này cũng đã thừa nhận có những lời lẽ thiếu lễ độ với một số thầy cô và nhà trường trên blog.

Cùng bị kỷ luật với Lâm lần này còn có 3 sinh viên khác của ĐH Ngoại thương cơ sở 2. Theo đó, một nữ sinh viên đã có hành vi gian lận bảng điểm, giả mạo chữ ký của Giáo viên chủ nhiệm. Hai sinh viên khác cùng bị kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm vì đã sao chép nội dung thu hoạch thực tập tốt nghiệp của sinh viên khác.
 

PhuongAnh

New Member
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số người mù chữ​

Cả nước hiện có gần 1,7 triệu người mù chữ, tập trung nhiều nhất vào độ tuổi trên 36. Trong đó, Hà Nội có gần 235.000 người và TP HCM hơn 90.000 người không biết đọc, viết.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 6, cả nước có hơn 140.000 người trong độ tuổi 15-25 không biết chữ. Ở độ tuổi 25-35, con số này là gần 250.000 người. Tỷ lệ mù chữ nhiều nhất rơi vào độ tuổi trên 36, với gần 1,3 triệu người.

Với gần 235.000 người, Hà Nội hiện là địa phương có số người mù chữ nhiều nhất nước. Tuy nhiên, riêng Hà Tây cũ đã chiếm tới hơn 220.000 người. Tiếp đến là TP HCM với hơn 90.000 người, Long An hơn 60.000 người. Số người mù chữ tập trung chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...

Sau 3 năm thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập" và phát triển trung tâm học tập cộng đồng, đã có hơn 160.000 người được huy động ra các lớp xóa mù chữ và hơn 120.000 người được tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ. Tuy nhiên, Hà Tây (cũ), Lạng Sơn, Gia Lai... vẫn có số người tái mù chữ cao.

Tại Hội nghị sơ kết vừa được Bộ GD&ĐT cùng Hội khuyến học Việt Nam tổ chức hôm nay, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các địa phương cần rà soát, thiết kế chương trình học tập cộng đồng theo nhu cầu của người dân. Ngoài ra, cần rà soát và chuẩn hóa điều kiện về con người, tiền vốn, chương trình học và hệ thống tư liệu học tập.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ cho biết, đến năm 2010, các lớp học tập cộng đồng sẽ gần gũi với người học hơn, hình thức và thời gian học tập cũng sẽ linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho mọi người.
 

persie

New Member
Cướp “cái ngàn vàng”, một thanh niên bị đâm chết

Khoảng 7h30 ngày 11/11/2008, công an phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận được tin báo tại nhà nghỉ Thanh Thuỷ, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy xảy ra một vụ xô sát giữa đôi nam nữ thuê nhà nghỉ tại phòng phòng 201. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu và tử vong vào lúc 10h30 cùng ngày.



Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, nạn nhân là Hoàng Trung Hậu (sinh năm 1978) trú tại Thái Nguyên làm nghề kinh doanh. Hậu bị bạn gái Lê Thị B (sinh năm 1985) quê ở Hà Giang đang làm thợ cắt tóc gội đầu ở phường Mai Dịch dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào người.



Theo khai nhận của B, Hậu là người đã có vợ. Do Hậu và B có quen biết với nhau từ trước nên chiều tối ngày 10/11/2008, Hậu đi xe ô tô 4 chỗ đến rủ B đi ăn tối. Ăn tối xong, hai người đi uống cà phê. Trong quá trình ngồi uống café B thấy mình buồn ngủ và không cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Thấy bạn buồn ngủ, Hậu đã đưa B về nhà nghỉ Thanh Thuỷ. Tại nhà nghỉ, Hậu đã chiếm đoạt “cái ngàn vàng” của B. Lúc tỉnh dậy B phát hiện mình đã bị Hậu chiếm đoạt. Do quá tức giận, B đã lời qua tiếng lại với Hậu và lấy dao ăn đâm nhiều nhát vào người hậu.
 

persie

New Member
Giả con trai phó chủ tịch tỉnh lừa 5 xế hộp


Tự xưng là con của phó chủ tịch tỉnh, từ tháng 8 đến nay, Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) đã thực hiện trót lọt nhiều vụ thuê ôtô rồi mang đi cầm cố lấy tiền ăn chơi.

Ngày 11/11, công an Hà Nội đã bắt Phạm Thế Huy, 25 tuổi về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan điều tra, Huy khai, đã dùng thủ đoạn tự xưng là con một phó chủ tịch UBND tỉnh ở miền Trung, gia đình nhiều người có "quyền lực" để lấy lòng tin của các công ty cho thuê xe ôtô, các chủ tiệm cầm đồ. Giấy tờ mang đến hiệu cầm đồ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán sử dụng đất... đều là giả.

Từ tháng 8 đến nay, Huy đã thực hiện trót lọt nhiều vụ thuê xe rồi mang đi cầm cố lấy tiền tiêu xài gần 3 tỷ đồng. Những dòng xe Huy đã nhắm tới: Ford Everest, Honda Civic...

Công an Hà Nội đang tiếp tục điều tra.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top